Bài viết
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trạm y tế thị trấn Ngan Dừa hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và tuần lễ quốc gia không khói thuốc lá.

Hút thuốc lá là một thói quen lâu đời, phổ biến khắp nơi trên thế giới, có lúc việc hút thuốc lá được xem như biểu hiện cá tính mạnh mẽ của Nam giới, sự quyến rũ của đàn ông, điều này đã được các hãng thuốc lá ra sức khai thác, quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông trực quan và trong các phim ảnh. Ở nước ta, xưa nay đã xem “điếu thuốc, miếng trầu là đầu câu chuyện”, nên việc hút thuốc lá cũng phổ biến lan tràn từ các cuộc trò chuyện thông thường cho đến cúng giỗ, hỏi cưới, các cuộc tiệc tùng và trong các công sở. Việt Nam có tỷ lệ hút thuốc ở nam giới 47,4%; nữ giới 1,4%, tức khoảng 15,3 triệu người trưởng thành ở Việt Nam đang hút thuốc lá, trung bình cứ 2 nam giới có 1 người hút thuốc và nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới.

Gần đây, khoa học đã chứng minh sự tác hại của khói thuốc lá đối với sức khỏe con người, đã tìm ra hơn 4.000 loại hóa chất trong khói thuốc lá, trong đó có 69 chất độc hại, có nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, hoại tử các đầu chi, mù mắt, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy giảm sức khỏe sinh sản, giảm tuổi thọ và đặc biệt là các loại bệnh ung thư hầu họng, thanh quản, phế quản và phổi. Hàng năm trên thế giới có khoảng 6 triệu người chết mỗi năm do hút thuốc lá. Nước ta hàng năm có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh có liên quan đến hút thuốc lá, chưa kể những tác hại sức khỏe không nhỏ đến 70% phụ nữ và 50% trẻ em do hít khói thuốc là thụ động của người trong gia đình hút thuốc lá trong nhà. Thuốc lá gây hại cho con người, không chỉ với người hút thuốc mà còn ảnh hưởng đến cả những người xung quanh. Vì vậy chúng ta cần phải biết được tác hại của chúng, biết để không hút và giúp người thân của bạn từ bỏ thuốc lá. Chúng ta có thể viết ra được không biết bao nhiêu là trang giấy để nói về tác hại thuốc lá. Mỗi năm, thế giới có khoảng 6 triệu người chết vì thuốc lá, nhiều hơn số tử vong do tai nạn, bị lao và AIDS cộng lại. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, sau 25 năm nữa, con số này sẽ là 10 triệu ca; 2/3 trong số đó thuộc các nước đang phát triển.


Ngoài ra, hút thuốc còn làm giảm khả năng lưu thông của máu trong cơ thể, tăng nhịp tim và làm suy giảm sức khoẻ của bạn, dẫn đến nhiều bệnh ung thư khác như ung thư miệng, đại tràng, vòm họng, thực quản, gan, thận…Các nhà khoa học đã khảo sát và tìm ra được rằng tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 05 đến 08 năm, tức là khi hút 1 điếu thuốc tự ta đã làm mất đi 5,5 phút cuộc sống.  Ngoài con đường hút thuốc trực tiếp, thuốc lá còn có thể gây hại qua việc ta hít phải khói thuốc của người khác. Trẻ em và người lớn, những người không hút thuốc nhưng sống trong khói thuốc của những người khác chịu rủi ro cao hơn hoặc bị mắc các bệnh kinh niên và cấp tính về họng, tai và trí tuệ cũng như sức khoẻ thể chất bị ảnh hưởng. Phụ nữ có mang mà hút thuốc sẽ chịu rủi ro bị sẩy thai cao hơn, sinh con nhẹ cân, hoặc con bị ốm, tử vong. Trẻ sơ sinh của những người cha hút thuốc trong những tháng trước và trong thời gian mang thai của người mẹ có nguy cơ gấp đôi bị hở hàm ếch, bạch cầu và chịu mức rủi ro bị ung thư não cao hơn tới 40% so với những trẻ có cha không bao giờ hút thuốc. Đó là những ảnh hưởng không nhỏ tí nào.

     Không chỉ gây bệnh, thuốc lá còn gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho xã hội. Mỗi năm, một người có hút thuốc ở Việt Nam chi gần 700.000 đồng cho thuốc lá. Với 12 triệu người hút, một năm chúng ta tốn hơn 8.200 tỷ đồng cho mặt hàng này. Trong khi số tiền đó đủ để mua lương thực nuôi sống 10,6 triệu người.Thêm nữa, một khảo sát gần đây cho thấy, chi tiêu cho thuốc lá ở nước ta cao gấp 3,6 lần phí tiền học hành, gấp 2,5 lần mức chi cho quần áo và gần gấp đôi mức chi cho khám chữa bệnh.

    Mặt khác, bệnh tật mà thuốc lá đem lại đã tăng thêm gánh nặng kinh tế cho mỗi gia đình và làm mất đi lực lượng lao động. Vì thuốc lá, những người nghèo ngày càng trở nên kiệt quệ. Trong thực tế, đối với nhiều gia đình thì chi phí cho hậu quả của việc hút gây ra còn tốn kém hơn nhiều so với chi phí để mua thuốc. Khi một thanh niên trong gia đình bị ốm do thuốc lá thì gia đình này phải chịu những chi phí điều trị chăm sóc, tốn kém thời gian. Thế là từ chuyện hút thuốc nảy sinh ra nhiều vấn đề khác.

    Thực ra hút thuốc là một thói quen của người nghèo. Người nghèo dễ dẫn tới hút thuốc nhất và cũng là người có ít khả năng tiền bạc để mua thuốc nhất. Số tiền mà người ta dùng để mua thuốc lá thay vì mua những đồ vật cần thiết cho cuộc sống là mối hiểm hoạ nghiêm trọng tới tài sản của mình và gia đình. Tiền tiêu tốn vào thuốc lá thay vì để mua những thứ cần thiết cơ bản khác cho cuộc sống như thực phẩm dinh dưỡng, đồ dùng gia đình, … Và còn nhiều nghịch cảnh khác không kể ra hết được.

     Đã biết được những điều trên, chúng ta và những người đã nghiện thuốc lá và những người chưa cần phải làm gì? Trước hết, đối với những người chưa hút, đừng hút thuốc và hãy động viên bạn bè, người thân mình không dùng thuốc lá! Áp lực phụ cũng có thể tích cực! Tiếp đó bạn có thể động viên họ hàng và bạn bè cai thuốc và giúp đỡ họ trong quá trình cai này.

    Còn với những người đã nghiện hút, phải tìm được nguyên nhân vì sao mình lại hút thuốc, để từ đó tìm cách làm sao cho mình bỏ được. Và quan trọng nhất, ta phải tinh thần quyết tâm cai thuốc,  trước khi cai thuốc, ta phải quyết định thật sự mình muốn gì chứ không phải chỉ gia đình, bạn bè của mình muốn gì. Hãy lên kế hoạch cho tương lai, đưa ra các mục tiêu cho mình và lập kế hoạch để thực hiện và hãy tập trung vào các mục tiêu đó hút thuốc có thể xuất hiện trong quá trình thực hiện mục tiêu. Một trong những cách hữu hiệu nhất là nhai kẹo cao su mỗi khi muốn hút thuốc. Tập dần thói quen này dần sẽ thay thế hẳn luôn việc nghiện thuốc lá. Và sau khi ta đã bỏ được, đôi khi những cơn “ghiền” vẫn quay lại. Hãy sẵn sàng để đối phó nếu tình huống đó xảy ra. Cai thuốc không phải là việc dễ dàng nhưng nhiều người vẫn làm được. Đặc biệt là bản thân người hút thuốc lá phải quyết tâm, phải có ý chí thì sẽ cai được thuốc lá.

    Thuốc lá gây nghiện, người hút thuốc lá càng lâu thì ngày càng hút nhiều hơn nên tác hại đến sức khỏe của chính mình và người chung quanh ngày càng lớn hơn. Sự tốn kém về tiền bạc, công sức đổ vào việc hút thuốc lá rất nhiều, như phải thường xuyên chi tiền mua thuốc hút, rồi tiền chữa bệnh do hút thuốc gây ra, công sức người nhà nuôi bệnh, chăm sóc.

    Sự tàn phá quá lớn của thuốc lá đối với sức khỏe con người, môi trường, xã hội và kinh tế của các quốc gia, vào năm 2003, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra Công ước khung kiểm soát thuốc lá, lần lượt các nước trên thế giới cũng đưa ra những quy định nhằm hạn chế dần người hút thuốc lá trong cộng đồng. Việt Nam tham gia công ước khung kiểm soát thuốc lá vào năm 2004 và ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc Hội khóa XIII kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16/8/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2013. Hàng năm Thế giới lấy ngày 31/05 là ngày Thế giới không khói thuốc lá.

    Hưởng ứng ngày Thế giới không khói thuốc lá 31/05, UBND thị trấn Ngan Dừa tuyên truyền Phòng chống tác hại thuốc lá năm 2023 với mục tiêu tăng cường việc thực thi Luật phòng chống tác hại thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc lá tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thị trấn. Đề nghị nhân dân cùng nhau tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá cho cả cộng đồng, thực hiện xây dựng môi trường không khói thuốc lá ở cơ quan, gia đình, nơi công cộng và các cơ sở làm việc, nhằm bảo vệ sức khỏe chung cho mọi người./.


Tác giả: Trịnh Tuấn Lực
Nguồn:Trạm y tế thị trấn Ngan Dừa Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết